Biên dịch Huệ Quang

Biên dịch Huệ Quang

Chào các bạn, ban biên dịch Huệ Quang là một nhóm tác giả cung cấp cho các bạn các góc nhìn về thế giới tiềm thức, tâm linh một cách đầy đủ nhất từ các đa dạng các nguồn tham khảo có chọn lọc, có cơ sở khoa học rõ ràng.

1, Quá trình hình thành của ban Biên dịch Huệ Quang? 

Trong những thập niên trở lại đây, Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh, phong trào tìm hiểu Phật pháp ngày càng sâu rộng, không chỉ hàng Phật tử mà các nhà nghiên cứu về tôn giáo cũng tham gia. Nhưng tất cả đều gặp một khó khăn chung là kho tàng kinh điển nhà Phật quá lớn, danh từ chuyên biệt quá nhiều, hàm nghĩa lại rất sâu xa, khó hiểu; nếu không có một bộ từ điển thì khó nắm bắt, khó nhận diện được, dù chỉ là khái quát. Bởi lẽ không hiểu được các từ ngữ thì làm sao hiểu được nghĩa lí để tu tập, để giảng thuyết?

Tại Việt Nam chúng ta, từ xưa đã có những bộ Từ điển Phật học, nhưng qui mô còn rất hạn chế, không chuyển tải đủ số lượng từ ngữ cần thiết, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu ngày nay. Do đó, vào khoảng đầu năm 1990, sau khi bộ Phật Quang Đại Tự Điển do ni sư Từ Di thuộc Đài Loan, Trung Quốc chủ biên, hoà thượng Tinh Vân chứng minh đã hoàn thành và lưu truyền đến Việt Nam ta. Bấy giờ có một số vị đề xuất dịch bộ Từ điển nầy sang tiếng Việt. Chúng tôi liền đến Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh để tham khảo. Thật là một bộ từ điển Phật học đồ sộ.

Trong lời tựa của Hòa thượng Tinh Vân có viết: “ Phật Quang Sơn bỏ ra một khoảng thời gian hơn mười năm ( 1978-1988 ) , chi phí rất nhiều tư tài, tập họp hơn mấy mươi người, sưu tầm cả trăm ngàn văn kiện tài liệu để biên tập thành bộ từ điển Phật học với 22.608 mục từ, hơn bảy trăm vạn lời. Trong đó bao gồm tất cả những thuật ngữ của Phật giáo như: Nhân danh, địa danh, tự viện, am thất, tông phái, giáo nghĩa, kinh luận, chú sớ, pháp khí, thanh quy, nghệ thuật, kiến trúc, cổ tắc công án…Bộ từ điển này được thực hiện bởi một nhóm chủ yếu gồm hơn 20 vị do ni sư Từ Di chủ biên, cùng với sự giúp đỡ của rất nhiều nhà Phật học, sử học, triết học, văn học… Trung Quốc  khác.”

Đúng là một bộ từ điển Phật học Hán ngữ lớn thời nay. Vì vậy chúng tôi liền thành lập ban phiên dịch Phật Quang Đại từ điển do Hòa thượng Thích Minh Cảnh làm chủ biên, đặt cơ sở tại Tu viện Huệ Quang. Từ đây, chúng tôi bắt đầu cung thỉnh Hội đồng Chứng minh, đồng thời photo, in ấn các văn bản gửi đi các nơi, thỉnh Tăng ni có trình độ Hán ngữ phiên dịch.

Trong lúc này vấn đề được đặt ra là thiếu nhân sự có khả năng, điều kiện làm việc tập trung và lâu dài, cho nên chúng tôi tổ chức đào tạo một lớp chuyên biệt, bồi dưỡng kĩ năng phiên dịch, bổ sung kiến thức Phật pháp để phục vụ cho việc phiên dịch từ điển. Lớp này tuyển chọn những Tăng ni có trình độ Hán ngữ tương đối để đào tạo trong thời gian hai năm. Đến năm 1994 thì lớp này ra trường, lúc bấy giờ việc phiên dịch bản thô đã hoàn thành 80%, tức mới đạt 2/10 công việc.

Những thành viên mới này lại tiếp tục thực hiện 8/10 phần việc còn lại. Đến 1995 thì bắt đầu đối chiếu văn bản Hán Việt, hiệu đính ngữ nghĩa lần thứ nhất. Sang năm 1996 thì việc hiệu đính lần thứ nhất xong. Lúc bấy giờ chúng tôi lại phát hiện một điều quan trọng, đó là nếu dịch theo nguyên bản mà Phật Quang Sơn biên soạn thì rất rườm rà, bố cục không chặt chẽ, định nghĩa không rõ ràng, nhiều trùng lắp, hơn nữa có một số mục từ chưa được hoàn bị.

Do đó Ban phiên dịch quyết định không hoàn toàn tuân thủ theo Phật Quang Sơn mà chỉ lấy đó làm lam bản, tham khảo thêm các bộ tự điển Hán ngữ khác như Từ điển Phật học của Đinh Phước Bảo, Từ điển Thực dụng của nhóm Hà Tử Bồi, Từ điển Thiền tông do Viên Tân chủ biên và nhiều nội ngoại điển Hán-Việt khác để sắp xếp lại bố cục, gột bỏ những chỗ rườm rà, bổ khuyết những thiếu sót, chỉnh sửa lại những chỗ chưa đúng rồi căn cứ theo nội dung mà đưa ra một định nghĩa chính xác, rõ ràng. Đồng thời đề ra một quyết định có tính đột phá, là sưu tầm tài liệu, khảo sát thực địa, gặp gỡ chứng nhân, tham cứu văn bản hiện còn để chọn những nhân danh, địa danh và thuật ngữ Phật học Việt Nam có giá trị đưa vào bộ từ điển nầy. Bây giờ bộ từ điển không còn đúng diện mạo của Phật Quang Sơn nữa mà đã khác hẳn, trở nên đẹp về hình thức, xác thật về nội dung, trong sáng về văn từ, phong phú về danh mục.

Do đó ban Biên dịch quyết định đổi tên là Từ Điển Phật Học Huệ Quang. Với chủ trương đó, đến năm 1997 chúng tôi hiệu đính lần thứ hai và theo đó cho in bản cảo gửi đến các bậc Cao đức, các nhà nghiên cứu Phật học để tham khảo ý kiến. Công việc cứ dần tiến triển như thế, đến năm 2002 thì việc in ấn bản cảo và xin ý kiến tham khảo đã xong, chúng tôi lại xin giấy phép xuất bản. Cùng lúc chúng tôi thỉnh chư Tôn đức thành lập Hội đồng thẩm định do Hòa thượng Thích Minh Châu làm Chủ tịch để xem xét lại văn nghĩa mà chúng tôi đã biên dịch.

Cũng trong thời gian này chúng tôi đã được nhà nước cho giấy phép xuất bản. Để đáp ứng nhu cầu tra cứu của các giới Phật tử, Hội đồng thẩm định xét duyệt xong quyển nào thì chúng tôi liền theo đó sữa chữa và cho in ấn phát hành. Đến giữa năm 2006 thì bộ từ điển Phật học Huệ Quang đã hoàn thành phần nội dung chính bảy tập, 6244 trang khổ A4, tổng cọng 23.042 mục từ và một tập Sách dẫn.

Lúc đầu chúng tôi dự kiến thực hiện công trình này trong vòng năm năm, nhưng vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, nhất là rất khó khăn trong việc sưu tầm tài liệu, kê cứu ngữ nghĩa, có những mục từ phải đọc và chỉnh sửa trên mười lần và qua nhiều người, nên công trình kéo dài đến 15 năm. Nhưng cuối cùng cũng đã thành công. Vì đây là một công trình lớn bao quát nhiều lĩnh vực, không những trong nhà Phật mà còn xen cả thế gian, cho nên không tránh khỏi những thiếu sót dù rất cố gắng. Chúng tôi cũng rất mong các bậc Cao đức trong Thiền môn, các nhà Phật học, các nhà nghiên cứu tiếp tục đóng góp ý kiến để cho lần tái bản, bộ từ điển được hoàn chỉnh hơn.

Đây là một công trình của tập thể Tăng ni Phật tử trong lẫn ngoài nước. Cũng nhờ ân đức cao dày của quý Hòa thượng chứng minh, nhờ lòng từ bi xót thương hàng hậu học của Hội đồng thẩm định, nhờ một lòng vì pháp của các Tăng ni trong ban phiên dịch, nhờ sự phát tâm rộng lớn của các Phật tử gần xa mà công trình biên dịch bộ từ điển này được hoàn thành. Chúng tôi thay mặt những người trực tiếp biên dịch chí thành đảnh lễ cảm niệm các Tôn đức tăng ni, và biết ơn các Phật tử đã góp phần công sức để hoàn thành bộ Từ điển.